Thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà là bao nhiêu?

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng bất động sản, chắc chắn nhiều khách hàng cũng đã có các thắc mắc về các khoản phí phát sinh như thuế thư nhập cá nhân, phí trước bạ, phí công chứng … Không phải trong tất cả các trường hợp, chúng ta đều phải đóng phí, và mỗi loại phí còn phụ thuộc vào bên mua hay bên bán, bên cho hay bên nhận mà có hay không phải đóng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thuế thu nhập cá nhân trong quá trình mua bán, chuyển nhượng bất động sản qua bài viết sau.

Thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà là bao nhiêu 1

1/ Trường hợp bán/chuyển nhượng đất không phải nộp thuế

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

Trường hợp 2: Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất. Tuy nhiên, để được miễn thuế trong trường trường hợp người bán chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam phải đáp ứng đồng thời 03 điều kiện sau:

+ Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó) tại thời điểm mua bán.

+ Có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tính đến thời điểm bán tối thiểu là 183 ngày.

+ Chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, đất ở.

2/ Trường hợp bán/chuyển nhượng đất phải nộp thuế

- Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bên bán sẽ nhận được một khoản tiền theo giá thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất cho người khác (không thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

- Hai bên trong hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất có thể thỏa thuận với nhau về người có nghĩa vụ nộp thuế, nếu không có thỏa thuận khác thì căn cứ theo quy định của luật, bên bán đất là bên có trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân.

- Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi bán đất

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x 2% (thuế suất).

(Thuế suất 2% được quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính)

Thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà là bao nhiêu 2

3/ Một số lưu ý khác

- Thông thường giá chuyển nhượng (giá mua bán) để tính thuế thu nhập cá nhân là giá mà các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng tại thời điểm mua bán.

- Trường hợp trên hợp đồng mua bán không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng mua bán thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá mua bán đất là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm mua bán.

Ví dụ: Ông A bán cho Ông B 01 thửa đất với giá là 10 tỷ đồng, thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 200 triệu đồng. Theo quy định của pháp luật thì ông A có nghĩa vụ nộp thuế (vì ông A là người phát sinh thu nhập chịu thuế).

- Nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế do cá nhân chuyển nhượng tự khai và chịu trách nhiệm. Nếu phát hiện không đúng sẽ bị xử lý truy thu thuế và phạt về hành vi vi phạm pháp luật thuế.

- Trường hợp chuyển nhượng nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai không thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân theo trường hợp 2 (như căn hộ chung cư chưa xây xong mà bán cho người khác....)

- Hiện nay, khi mua bán nhà đất nhiều người muốn giảm thuế bằng cách khai man giá bán thấp hơn so với giá thực tế, thì cả 2 bên mua và bán đều được hưởng lợi (bên mua được hưởng lợi từ phí trước bạ, bên bán được hưởng lợi từ thuế thu nhập cá nhân), nhưng nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện có thể bị truy thu thuế, xử phạt hành chính. Nhiều khi, có thể xảy ra trường hợp giá trị căn nhà có sự biến động lớn (tăng hoặc giảm giá) và một trong hai bên nhận thấy mình bị thiệt, khi đó rất dễ xảy ra tranh chấp và phía bên kia có thể đưa ra căn cứ 2 bên làm hợp đồng giả tạo (che giấu hợp đồng chuyển nhượng thật nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với nhà nước) để yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu. Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên hoàn trả nhau những gì đã nhận (bên mua trả nhà, bên bán trả tiền), tuy nhiên các bên đưa nhau ra tòa cũng gặp không ít khó khăn, mất thời gian và gây tốn kém cho cả 2 bên.

>>>Xem thêm: