Sân bay Tân Sơn Nhất & toàn bộ thông tin [Tổng hợp]

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Cập nhật và tổng hợp toàn bộ các thông tin liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất - cảng hàng không quốc tế lớn nhất tại Việt Nam.

Ngày nay, nhu cầu đi lại của người dân ngày một tăng lên, bên cạnh đường bộ, đường sắt hay đường thủy thì đường hàng không cũng là lựa chọn thông dụng bởi tính tiện lợi và nhanh chóng. Ngành hàng không Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng với sự tham gia của nhiều hãng hàng không, phục vụ cho số lượng hành khách trong nước và quốc tế suốt thời gian qua.

Nếu như đường bộ có bến xe Miền Đông thì sân bay Tân Sơn Nhất là “cửa ngõ” của nhiều chuyến bay nội địa và nước ngoài, đóng vai trò quan trọng đối với dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa theo đường hàng không. Liên quan đến sự hình thành và phát triển của sân bay này cũng là rất nhiều thông tin thú vị mà không hẳn ai cũng có dịp tìm hiểu hết.

Sân bay Tân Sơn Nhất

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan nhất về sự hình thành, phát triển và quy mô của sân bay Tân Sơn Nhất.

Lịch sử hình thành sân bay Tân Sơn Nhất

Năm 1920, khi thành lập phi đội Nam kỳ, chính quyền thực dân Pháp lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhất, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định để xây dựng sân bay. Tên của làng được lấy làm tên sân bay.

Tân Sơn Nhứt (tên ngày xưa) trước năm 1919 là tên một ngôi làng nằm trên gò đất cao ráo phía Bắc Sài Gòn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá, lập nên đất Sài Gòn – Gia Định. Về địa giới hành chính, làng thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và giáp các thôn Tân Sơn Nhì, Hạnh Thông Tây, Phú Nhuận... nay đều là tên các địa danh ở thành phố. Phần đất còn lại của ngôi làng nhỏ hẹp không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên hợp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.

Năm 1930, chính quyền Sài Gòn muốn mở rộng sân bay phục vụ mục đích dân sự nhưng giá đất xung quanh sân bay đã cao vọt lên, không đủ ngân sách để bồi thường; phương án được đưa ra là tìm ở Cát Lái thuộc Thủ Đức một khu đất vuông vức, mỗi chiều 1.400 m để xây dựng sân bay khác.

Lúc này, khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, nếu xây dựng lại từ đầu rất tốn kém nên chương trình làm sân bay mới đành hủy bỏ. Nhà chức trách lúc bấy giờ quay lại với phương án ban đầu là đền bù để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 1937, toàn quyền Đông Dương cho thành lập Sở hàng không dân dụng Đông Dương thay thế cho Sở Hàng không dân sự.

Cuối năm 1933, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Hãng hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris – Sài Gòn (hồi đó không bay đêm) hạ cánh Tân Sơn Nhất sau 18 ngày.

Năm 1956, Mỹ cho xây dựng sân bay rộng hơn, dài hơn 3.000 m bằng bê - tông thay cho đường băng đất đỏ Pháp làm trước đó. Sân bay mới vừa phục vụ thương mại vừa là nơi không quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng làm căn cứ.

Quá trình phát triển sân bay Tân Sơn Nhất

Trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có số lượng chuyến bay mỗi ngày cao nhất tại Đông Nam Á. Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay lúc đó khoảng 3.600 ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore.

Sau năm 1975, do quá trình đô thị hóa, phần đất sân bay được cắt ra, giao cho một số quận như Tân Bình, Gò Vấp quản lý. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương hay từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung... vốn nằm trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất xưa.

Ban đầu, sân bay được chia thành hai khu vực quân sự và dân sự, công suất khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm, với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở kỹ thuật mặt đất, cơ sở thương mại và dịch vụ hành khách tương đối đủ. Trong năm 1975, sân bay Tân Sơn Nhất đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử:

  • Ngày 1 tháng 5 năm 1975, chiếc trực thăng Mi6 do phi công Lê Đình Ký thuộc Trung đoàn không quân 916 lái, hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất trở thành chiếc máy bay đầu tiên sơn phù hiệu Không quân Nhân dân Việt Nam hạ cánh xuống sân bay này.
  • Ngày 3 tháng 5 năm 1975, chiếc máy bay vận tải IL14 của Lữ đoàn 919 chở đoàn cán bộ và phương tiện kỹ thuật hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất nhằm tăng cường công tác đảm bảo kỹ thuật phục vụ các chuyến bay thường lệ đi, đến Tân Sơn Nhất.
  • Ngày 15 tháng 5 năm 1975, chiếc máy bay IL18 của Lữ đoàn 919 vinh dự đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng.
  • Cũng ngày 15 tháng 5 năm 1975, lực lượng tiếp quản đã khôi phục hoàn chỉnh 4 máy bay vận tải dân dụng vừa mới tiếp thu và đưa ngay những máy bay này vào hoạt động. Đường hàng không Sài Gòn – Hà Nội và ngược lại, Sài Gòn đi các địa phương ở miền Nam bắt đầu hoạt động với tần suất 5 - 6 lần/chuyến/ngày.

Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 15 - 18/12 đánh dấu cột mốc lớn cho sự thay đổi toàn diện của đất nước ta. Khi nền kinh tế bao cấp được xóa bỏ, cơ chế quản lý kinh tế và cách thức công nghiệp hóa được đổi mới toàn diện; cơ hội mở ra cho ngành giao thông vận tải nói chung và ngành hàng không dân dụng Việt Nam nói riêng.

Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng không ngừng đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, góp phần cho công tác phục vụ hành khách ngày càng văn minh, lịch sự, trở thành cảng hàng không lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, du lịch và các hoạt động thương mại, văn hoá giữa Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung với thế giới.

quá trình phát triển sân bay

Ngày 7/9/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch điều chỉnh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là Cảng hàng không đạt cấp 4E theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp I.

Quy hoạch khu bay: Sử dụng 02 đường cất hạ cánh hiện hữu có khả năng tiếp nhận các loại tàu bay code E; sử dụng các đường lăn hiện hữu có khả năng tiếp nhận các loại tàu bay code E; hệ thống sân đỗ tàu bay gồm 82 vị trí đỗ tàu bay, trong đó 54 vị trí đỗ của hàng không dân dụng và 28 vị trí đỗ của hàng không lưỡng dụng; khai thác các loại máy bay: B747, B777/787, A350, A321 và tương đương.

Quy hoạch khu hàng không dân dụng: Cải tạo, mở rộng các nhà ga hành khách đạt công suất 28 triệu hành khách/năm; đầu tư nâng cấp nhà ga hàng hóa theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu khai thác, công suất đến năm 2030 đạt 1 triệu tấn/năm;

Sân bay Tân Sơn Nhất là trụ sở hoạt động chính của tất cả các hãng hàng không Việt Nam, cũng là nơi đóng trụ sở của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam - đơn vị quản lý toàn bộ các sân bay dân dụng ở Việt Nam. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thuộc sự quản lý và khai thác của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (JSC), trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay ở đâu

Địa chỉ Sân bay Tân Sơn Nhất: thuộc phường 2, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 8km.

  • Phía Tây giáp đường Trường Chinh;
  • Phía Tây Bắc giáp đường Phạm Văn Bạch và đường Tân Sơn quận Tân Phú;
  • Phía Đông giáp đường Quang Trung quận Gò Vấp;
  • Phía Nam giáp đường Cộng Hòa/ Hoàng văn Thụ quận Tân Bình.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có vị trí rất thuận tiện cho hoạt động hàng không dân dụng:

  • Nằm trên các trục giao thông hàng không đông đúc Đông - Tây và Nam - Bắc của khu vực,
  • Là cửa ngõ giao thương của thành phố Hồ Chí Minh với các nền kinh tế khác trên thế giới
  • Là điểm dừng thuận lợi và lý tưởng trong mạng đường bay từ Châu u, Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Bắc, Bắc Á và Châu Á – Thái Bình Dương.

Quy mô, cơ sở hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất

Quy mô sân bay

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang đứng đầu về diện tích và công suất, khoảng 1.500 ha, trong đó 850 ha được sử dụng dân dụng, phần còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý.

  • Năm 2014, sân bay phục vụ 26.546.475 lượt khách, nằm trong nhóm 50 sân bay có lượng khách nhiều nhất thế giới.
  • Năm 2016, sân bay này đã phục vụ 32,6 triệu lượt khách, tăng 22,8% so với năm 2015.
  • Năm 2018, sân bay phục vụ 38,5 triệu lượt khách.
  • Dự báo năm 2021 là 53 triệu hành khách và năm 2025 là trên 78 triệu.

Hiện có 4 hãng hàng không nội địa và 45 hãng hàng không quốc tế đang có đường bay đến Tân Sơn Nhất. Phí sân bay là 18USD cho các chuyến bay quốc tế. Hiện nay, số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày, cá biệt dịp cao điểm lên tới gần 900 chuyến/ngày. Năng lực thông qua đường băng cất-hạ cánh đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Cơ sở hạ tầng

Đường cất hạ cánh

  • 25R/07L: 3,048m x 45.72m, PCN: 85R/B/W/T
  • 25L/07R: 3,800m x 45.72m, PCN: 63R/B/X/T

Đường lăn: Rộng tối thiểu 22.86m - Sức chịu tải/ PCN: 61/R/B/X/T

Sân đỗ

  • Diện tích 42.26 ha,
  • Gồm 80 vị trí đỗ (trong đó có vị trí dành cho khai thác thương mại và vị trí đỗ qua đêm), có khả năng tiếp thu được các loại tàu bay thân lớn như A380, B747,…

Hạng sân bay: Tiêu chuẩn phục vụ hành khách mức C theo IATA

Nhà ga

Nhà ga quốc nội

Hiện nay, nhà ga nội địa với diện tích là 40.048m², công suất phục vụ hành khách đi lại vào giờ cao điểm là 2.100 hành khách, gồm có:

  • 124 quầy thủ tục
  • 01 quầy thủ tục transfer
  • 01 quầy hành lý quá khổ
  • 20 cửa ra máy bay
  • 04 cầu ống hành khách
  • 06 bộ băng chuyền hành lý đến
  • 03 bộ băng chuyền hành lý đi
  • 10 cổng từ
  • 9 cửa kiểm tra an ninh
  • 2 thang máy
  • 10 thiết bị kiểm tra kim loại

Nhà ga quốc tế

Nhà ga quốc tế có công suất tối đa 15–17 triệu lượt hành khách/năm, diện tích: 115.834m2, trong đó diện tích đường và sân đậu ôtô là 78.000 m2, diện tích đường tầng là 10.540 m2, diện tích đường công vụ là 13.000 m2. Nhà ga quốc tế được trang bị:

  • 100 quầy thủ tục
  • 01 quầy thủ tục transfer
  • 19 cửa ra máy bay
  • 11 cầu ống hành khách
  • 07 bộ băng chuyền hành lý đến
  • 01 bộ băng chuyền hành lý đi
  • 19 quầy thủ tục xuất cảnh
  • 21 quầy thủ tục nhập cảnh
  • 20 máy soi hải quan sử dụng chung với ANHK tại ga đi
  • 07 máy soi ngầm hải quan đến

Trang thiết bị dẫn đường

  • Đèn tiếp cận, đèn thềm và đèn cuối đường cất hạ cánh, đèn tim, đèn chớp tuần tự, đèn chớp xác định đầu thềm, đèn PAPI.

An ninh & An toàn

  • Hệ thống ngăn chặn khủng bố; hệ thống camera giám sát; hệ thống báo cháy & chữa cháy tự động; hệ thống kiểm soát cửa ra vào; máy soi chiếu an ninh; hệ thống cung cấp điện dự phòng 24/24; dịch vụ y tế/ cấp cứu 24/7,…

Sơ đồ nhà ga

Quốc nội

  • Vietnam Airlines: Hành khách đi vào khu vực cổng D1, D2 đến các quầy A,B,C,D để làm thủ tục hàng không
  • Pacific Airlines: Hành khách đi vào cổng D1, D2 đến các đảo làm thủ tục hàng E, F để làm thủ tục hàng không
  • Bamboo Airways: Hành khách đi vào cổng D1, D2 sau đó di chuyển đến các đảo làm thủ tục hàng H để làm thủ tục hàng không.
  • VietJet Air: Hành khách đi vào cổng D3, D4, D5 hướng từ bãi giữ xe máy vào, phía bên phải gần lối sang ga quốc tế. Sau đó di chuyển đến đảo làm thủ tục hàng I, J, K.

Sơ đồ nhà ga - 1

Sơ đồ nhà ga - 2

Quốc tế

Sơ đồ nhà ga - 3

Sơ đồ nhà ga - 4

Dịch vụ tại sân bay

Phòng chờ hạng thương gia

Quốc nội:

  • Lotus Lounge: gần cửa khởi hành số 2
  • Le Saigonnais: gần cửa khởi hành số 14

Quốc tế:

  • Lotus Lounge: tầng 3
  • Le Saigonnais: tầng 3
  • Rose Lounge: tầng 2, hành lang cửa khởi hành số 9
  • Orchid Lounge: tầng 2, hành lang cửa khởi hành số 16
  • Apricot Lounge: tầng 2, hành lang cửa khởi hành số 17
  • Lotus Lounge 2: tầng 2, hành lang cửa khởi hành số 18

Hành lý thất lạc

  • Nhà ga quốc nội: 01 quầy nằm phía trước khu vực băng chuyền hành lý, 01 quầy nằm gần cửa A3.
  • Nhà ga quốc tế: 01 quầy nằm bên trái khu vực kiểm tra hải quan.

Khu vui chơi trẻ em

Khu vui chơi trẻ em là tiện ích sân bay hoàn toàn miễn phí dành cho gia đình đi du lịch cùng trẻ nhỏ, được đặt tại ga Quốc tế, hành lang cửa khởi hành 26-27, bố mẹ có thể chơi cùng bé trong thời gian chờ đến giờ bay. Khu vui chơi rộng 40m2 được trang bị thảm xốp lót sàn an toàn cho bé và nhiều đồ chơi như lego, đất nặn, cầu trượt, nhà đồ chơi…

dịch vụ tại sân bay

Nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Tháng 6/2020, Cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước Tân Sơn Nhất đã được tiến hành xây dựng nhà ga T3, cải tạo nhà ga T1 và T2; sửa chữa, nâng cấp các đường băng, sân đỗ, bãi để xe… với mục tiêu giải quyết các vấn đề quá tải, đủ khả năng phục vụ cho lượng 50 triệu lượt hành khách/năm.

Xây mới nhà ga T3

Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất).

Nhà ga T3 dự kiến nằm trên phần đất thuộc khu nhà ga, sân đỗ quân sự trước đây, cùng phía với nhà ga T1 (ga quốc nội) hiện hữu. Về quy mô, ngoài nhà ga hành khách T3 đạt tiêu chuẩn quốc tế, dự án còn mở rộng sân đỗ máy bay, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc đầu tư xây dựng thêm nhà ga T3 công suất 20 triệu lượt hành khách/năm cùng các công trình phụ trợ đồng bộ (mở rộng sân đỗ máy bay, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ như hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, nước thải) phục vụ khai thác nội địa tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là phù hợp với quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh để nâng tổng công suất toàn sân bay lên 50 triệu lượt hành khách/năm.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư với số vốn gần 11.000 tỷ đồng từ vốn doanh nghiệp, không dùng ngân sách. Tiến độ thực hiện dự án là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nâng cấp đường băng

Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang có hai đường cất hạ cánh cách nhau 365m và hệ thống các đường lăn song song, đường lăn nối và đường lăn thoát nhanh. Tuy nhiên, sân bay đang được khai thác với nhiều loại máy bay có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn hơn nhiều so với máy bay thiết kế. Vì vậy, các đường bằng có dấu hiệu xuống cấp, gây ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành trong tháng 12/2020. Tổng nhu cầu vốn cho việc cải tạo, nâng cấp lên đến 2.058 tỷ đồng.

Làm mới hệ thống giao thông

  • Đường ra vào sân bay sẽ sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu, quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với quy mô 4-6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám vào đường Thân Nhân Trung quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E quy mô 4-6 làn xe.
  • Bổ sung cầu vượt trên cao kết nối khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh với nhà ga T3, bổ sung đường trên cao từ cuối sảnh ga quốc tế T2 qua nhà ga quốc nội T1 đi theo đường Thăng Long tới đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi...
  • Triển khai các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, hệ thống thoát nước và hồ điều hòa chống ngập cho sân bay.

Một góc sân bay Tân Sơn Nhất

Các thông tin khác về sân bay Tân Sơn Nhất

Cháy nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất

Vào lúc 3h sáng ngày 27/8/2008, phòng chờ nhà ga đến nội địa của sân bay Tân Sơn Nhất đột nhiên bốc cháy, khiến cho hàng loạt chuyến bay bị hoãn. Phòng chờ này giáp với khu bán đồ lưu niệm của sân bay nằm ở lầu 1 (tầng hai). Khi hỏa hoạn xảy ra không có khách chờ bay, mà chỉ có nhân viên ngành hàng không.

Toàn bộ chuyến bay trong và nước ngoài bị đình trệ. Hành khách từ nhà ga nội địa được dồn sang khu D2 (nhà ga quốc tế) để làm thủ tục khiến khu vực này trở nên hỗn loạn. Hơn 6h, tất cả hành khách của ga quốc nội được lên máy bay từ ga quốc tế.

Ông Phan Lê Hoan, Giám đốc Công ty Khai thác ga Sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, đám cháy xuất phát từ phòng khách hạng C ở nhà ga. Cửa phòng này bị khóa chặt do vậy khi phát hiện cháy thì gần như đã muộn.

Theo kết quả điều tra, nguyên nhân vụ cháy là do chập điện, không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản là khá nặng. Vụ cháy khiến nhà ga nội địa phải ngưng hoạt động từ ngày 27/10/2008 - 03/11/2008.

Máy bay trượt khỏi đường băng

Do ảnh hưởng của mưa bão, chuyến bay VJ322 của Vietjet khởi hành từ Phú Quốc đi TP.HCM lúc 11 giờ 23 cùng ngày, khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lúc 12 giờ 10, máy bay đã trượt ra ngoài mép đường cất hạ cánh 25R/07L.

Thông báo của Vietjet Air về sự cố cho biết: máy bay khi hạ cánh đã trượt khỏi đường băng do ảnh hưởng của mưa gió lớn tại khu vực sân bay. Máy bay và toàn bộ hành khách, tổ bay đều an toàn.

Tuy nhiên, vì sự cố này, Vietnam Airlines cho biết, gần 165 chuyến bay của Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO) phải thay đổi giờ khai thác và chuyển hướng hạ cánh đến sân bay khác. Bamboo Airways cũng cho biết dự kiến thay đổi giờ khai thác và sân bay hạ cánh của 25 chuyến bay.

Mất điện tại trung tâm kiểm soát không lưu

Vào khoảng 11h05p đến 12h25p ngày 20/11/2014, Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ACC Hồ Chí Minh) đã mất năng lực điều hành bay. Theo đó, tất cả các chuyến bay từ các sân bay đến Tân Sơn Nhất đều được thông báo bay vòng hạ cánh tại sân bay khác hoặc quay đầu cho đến khi có thông báo tiếp theo. Các máy bay chuẩn bị khởi hành tại Tân Sơn Nhất cũng bị lùi thời điểm cất cánh.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, 54/92 chuyến bay đã bị ảnh hưởng. Nhiều chuyến bay trong vùng thông báo bay TP. HCM, Hà Nội, Sanya, Pnom Peng, Singapore, Kuala Lumpur... đã phải đình/hoãn cất cánh, quay trở lại sân bay khởi hành/hạ cánh tại sân bay dự bị...

Chiều ngày 21/11/2014, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh đã khẳng định với báo chí nguyên nhân gây ra sự cố mất điện tại ACC Hồ Chí Minh là do: "Sập cả 3 hệ thống lưu điện của đài không lưu cùng lúc". Cụ thể, bình thường mọi nguồn điện từ điện lưới đến điện chạy máy nổ đều qua bộ lưu điện (UPS) với hệ thống dự phòng 3 cấp. Tuy nhiên, trưa ngày 20/11/2014, xuất phát từ hỏng 1 UPS, dẫn đến ngắt điện cả 2 USP còn lại. “Khi mất điện tại ACC Hồ Chí Minh, điện lưới vẫn có nhưng điện cho hệ thống hoạt động điều hành bay bị mất. Vì vậy dẫn đến việc mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành ở ACC Hồ Chí Minh và kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất”.

Liên quan đến sự cố mất điện, vào sáng 18/12/2019, một máy cắt trung thế của trạm điện nội bộ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ST1) trong sân bay đã tác động đến hệ thống bảo vệ sự cố gây mất điện một phần tại nhà ga quốc tế. Rất may là tại thời điểm này, nhà ga không có các chuyến bay đi, chỉ có một số ít chuyến bay đến nên hoạt động khai thác nhà ga hầu như không bị ảnh hưởng.

Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất

Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất có quy mô gần 160 ha. Năm 2010, sân golf được quy hoạch với chức năng là sân golf 36 lỗ kết hợp các dịch vụ đa dạng: vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao, khu nhà ở cho thuê và công trình công cộng.

Tuy nhiên, việc xây dựng sân golf trong sân bay gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất lại đang cần quỹ đất để mở rộng. Chính vì vậy, tháng 8/2018, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, xóa sân golf và thay bằng việc bố trí nhà ga, khu hangar và một phần cây xanh hồ điều tiết.

Trên đây là toàn bộ các thông tin tổng hợp về sân bay Tân Sơn Nhất. Hy vọng nội dung bài viết mang lại sự hữu ích cho những ai quan tâm đến quy hoạch và hoạt động của sân bay.

Xem thêm: