Quy định tách thửa tại tỉnh Bình Dương (Mới nhất)

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Với vị thế là khu vực trong tình trạng đang hồi phục sau thời gian dài đóng băng, thị trường đất nền Bình Dương đang trong cơn sốt, dĩ nhiên các quy định về giao dịch, thủ tục chuyển đổi và đặc biệt hiện nay là quy định tách thửa tỉnh Bình Dương, hiện đang được người dân quan tâm.

Chúng ta cùng tìm hiểu về quy định tách thửa tại Bình Dương qua bài viết sau đây.

>>> Xem thêm:

Quy định tách thửa tại tỉnh Bình Dương 1

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 27/9/2017 quy định diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2017 và thay thế Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh về việc quy định diện tích tối thiểu đối với đất ở được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bãi bỏ Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 28/3/2016 của UBND tỉnh về việc tách thửa đối với các loại đất không phải là đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Theo đó, đối tượng áp dụng tại Quyết định này gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhu cầu tách thửa; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục về tách thửa theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện thủ tục tách thửa đất. Không áp dụng cho các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất trọn thửa; bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước; các trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất; đất hiến tặng cho Nhà nước, đất tặng cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa; thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế về nhà và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cá biệt có nhu cầu tách thửa nhưng không đảm bảo diện tích tối thiểu, quy định tách thửa tại Quyết định này thì giao UBND cấp huyện thành lập Hội đồng tư vấn để xem xét, giải quyết việc tách thửa với điều kiện: đối với đất ở, diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa là 36m2, đảm bảo có bề rộng và chiều sâu tối thiểu 04m đối với thửa đất khi tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý có lộ giới <20m; diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa là 45m2, đảm bảo có bề rộng và chiều sâu tối thiểu 05m đối với thửa đất khi tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý có lộ giới ≥20m. Đối với đất nông nghiệp: diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa tại các phường: 100m2, thị trấn: 200m2, xã: 300m2, tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý và điều kiện tại khoản 3 Điều 4 Quyết định này đối với trường hợp thửa đất theo quy hoạch sử dụng đất là đất ở.

Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng cá biệt được xem xét giải quyết tách thửa theo quy định chỉ được xem xét, giải quyết 01 lần.

Diện tích tách thửa tối thiểu đối với các loại đất tại Bình Dương

  • Đối với đất nông nghiệp: tại phường là 300m2, thị trấn là 500m2, xã là 1000m2.
  • Đối với đất phi nông nghiệp (là đất ở): tại phường là 60m2, thị trấn là 80m2, xã là 100m2.
  • Đối với đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở): việc tách thửa đất phi nông nghiệp được căn cứ cụ thể vào dự án đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Quy định tách thửa tại tỉnh Bình Dương 2

Một số quy định cụ thể để thực hiện việc tách thửa

  1. Diện tích thửa đất mới và diện tích còn lại của thửa đất sau khi tách thửa phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu của từng loại đất tương ứng, sau khi đã trừ phần diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ các công trình theo quy định của pháp luật.
  2. Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách phải tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý, đảm bảo có bề rộng và chiều sâu tối thiểu 4m đối với thửa đất khi tiếp giáp với đường có lộ giới <20m; đảm bảo có bề rộng và chiều sâu tối thiểu 05m đối với thửa đất khi tiếp giáp với đường có lộ giới ≥20m. Trừ trường hợp tách thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất vẫn là đất nông nghiệp thì không yêu cầu tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý.
  3. Trường hợp tách thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất ở, đất phi nông nghiệp hoặc tách thửa đất ở còn phải đảm bảo tại vị trí tách thửa đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước) phù hợp với quy hoạch xây dựng, đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.
  4. Trường hợp người sử dụng đất yêu cầu tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất quy định tại Điều 3 Quyết định này và hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa.
  5. Trường hợp thửa đất tiếp giáp đường theo quy hoạch phân khu thì người sử dụng đất được phép tách thửa sau khi đã đầu tư đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch phân khu đã được duyệt, đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.
  6. Trường hợp đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, phân lô theo quy hoạch chi tiết được duyệt thì thửa đất được xác định theo dự án và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Hồ sơ và thủ tục khi thực hiện tách thửa tại Bình Dương

Chuẩn bị hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất:

  • Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
  • Văn bản thỏa thuận về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (nếu có);
  • Phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp xã đã được Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt (nếu có);
  • Biên bản giao nhận ruộng đất theo phương án “dồn điền đổi thửa” (nếu có).
  • Chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân và sổ hộ khẩu của chủ sở hữu các mảnh đất sau khi được tách.
  • Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của Phòng Tài nguyên và môi trường để đề nghị xin tách thửa đất. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
  • Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
  • Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách thửa;
  • Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
  • Trong quá trình xem xét và giải quyết hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hợp đồng. Trong thời hạn 15 ngày, nếu hồ sơ tách thửa hợp lệ thì sẽ nhận được Giấy chứng nhận quyền sử đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Giải thích thuật ngữ

  • Diện tích tối thiểu là diện tích mà thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn (diện tích tối thiểu không tính phần chỉ giới xây dựng, hành lang an toàn giao thông… nếu có);
  • Trường hợp tách thửa tạo thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu nhưng xin hợp thửa với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu thì được phép tách thửa.
  • Khu vực đô thị gồm: Phường, thị trấn.
  • Quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa của mỗi tỉnh, thành là khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng diện tích được phép tách thửa càng về sau càng nhỏ đi (Quyết định mới thường quy định diện tích được phép tách thửa nhỏ hơn Quyết định cũ).

Nguồn: Trần Anh Group