Điều kiện để được cấp đất nông nghiệp và các vấn đề liên quan

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rõ về điều kiện để được cấp đất nông nghiệp, thủ tục xin giao đất nông nghiệp và các vấn đề liên quan khác.

Vậy:

Đất nông nghiệp gồm những loại đất nào? Đối tượng nào đủ điều kiện để được cấp đất nông nghiệp? Thủ tục xin giao đất nông nghiệp được tiến hành ra sao? Khi được cấp đất nông nghiệp thì thời gian sử dụng đất trong bao lâu? Nếu hết hạn sử dụng đất nông nghiệp có thể sử dụng nữa hay không?

Tất tần tật những vấn đề này sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây.

Đất nông nghiệp gồm những loại đất nào?

Trong phân loại đất đai theo quy định của pháp luật Việt Nam mới nhất thì đất đai nước ta được chia thành 3 loại chính: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng (đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng, đất do UBND xã quản lý).

Trong đó, đất nông nghiệp là loại đất góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Diện tích đất nông nghiệp chiếm phần lớn trong tài nguyên đất đai của đất nước.

Điều kiện để được cấp đất nông nghiệp và các vấn đề liên quan 1

Căn cứ theo Luật Đất đai 2013 Khoản 1 Điều 10, những loại đất sau được xếp vào đất nông nghiệp:

a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

b) Đất trồng cây lâu năm;

c) Đất rừng sản xuất;

d) Đất rừng phòng hộ;

đ) Đất rừng đặc dụng;

e) Đất nuôi trồng thủy sản;

g) Đất làm muối;

h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Như vậy, chỉ những loại đất được liệt kê trong Khoản 1 Điều 10 mới được công nhận là đất nông nghiệp. Còn những loại đất không nằm trong phạm vi này sẽ được xếp vào loại đất khác theo pháp luật quy định.

Căn cứ để nhà nước giao đất nông nghiệp

Điều 52 Luật đất đai 2013 quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp như sau:

  • Phải có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (nghĩa là đất đó phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đã được ban hành);
  • Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chỉ chấp nhận đối với trường hợp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp).

Điều kiện để được cấp đất nông nghiệp và các vấn đề liên quan 2

Đối tượng được giao đất nông nghiệp

Nhà nước giao đất nông nghiệp dưới 2 hình thức: giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất và giao đất nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất.

Về đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất:

Đất nông nghiệp là loại đất được nhà nước giao cho cá nhân, tổ chức, địa phương để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vì vậy không phải đối tượng nào cũng được cấp đất nông nghiệp. Những đối tượng được cấp đất nông nghiệp mà không cần đóng tiền sử dụng đất bao gồm:

  • Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này;
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;
  • Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiêp.

Về hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình canh tác, Khoản 1 Điều 129 quy định rõ diện tích đất được giao như sau:

“1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:

a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;

b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.”

Về đối tượng giao đất nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất:

Có 2 phương thức trả tiền được áp dụng là thuê đất trả tiền hàng năm và thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Đối tượng được cho thuê đất có thu tiền bao gồm:

  • Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
  • Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được quy định tại Điều 129 Luật đất đai 2013;
  • Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

Thủ tục giao đất nông nghiệp theo QĐ của pháp luật

Thủ tục giao đất nông nghiệp sẽ được thực hiện theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP với trình tự các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Bao gồm:

  • Đơn xin giao đất;
  • Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất (Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ địa chính nếu đã có, hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất theo yêu cầu của người làm hồ sơ);
  • Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất.

Điều kiện để được cấp đất nông nghiệp và các vấn đề liên quan 3

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người xin giao đất sẽ nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Trong 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc chưa đầy đủ, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho người nộp hồ sơ biết để bổ sung và hoàn chỉnh.

Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được chuyển đến bước thứ 3.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ

Hồ sơ sau khi đã đầy đủ, hợp lệ sẽ được thẩm định. Trình tự thẩm định như sau:

  • Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ xin giao đất của người làm hồ sơ;
  • Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định giao đất;
  • Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

Bước 4: Đóng tiền thuê, sử dụng đất

Người được giao đất theo hình thức có thu tiền sử dụng đất sẽ phải đóng tiền sử dụng đất.

Người được giao đất theo hình thức cho thuê đất sẽ phải nộp tiền cho thuê đất. Có thể nộp một lần hoặc nộp hàng năm.

Tiền thuê đất = Diện tích phải nộp tiền thuê đất x Đơn giá thuê

Trong đó: Đơn giá thuê đất được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 46/2014/NĐ-CP như sau: Đơn giá thuê đất = Mức tỷ lệ phần trăm x Giá đất tính thu tiền thuê đất.

Bước 5: Cấp Giấy chứng nhận

Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành giao đất thực địa và trao Giấy chứng nhận cho người làm hồ sơ xin giao đất.

Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Lưu ý: Thời hạn thực hiện tất cả các thủ tục nói trên không quá 20 ngày kể từ ngày Phòng Tài nguyên và Môi trường nhận được hồ sơ hợp lệ của người xin giao đất. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa… thì thời gian thực hiện thủ tục có thể được kéo dài thêm 10 ngày.

Thẩm quyền giao đất nông nghiệp

Tùy vào đối tượng được giao đất và loại đất được giao để biết được cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền giao đất.

  • Nếu đối tượng giao đất là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì sẽ do UBND cấp tỉnh giao đất.
  • Nếu đối tượng giao đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì thẩm quyền giao đất nông nghiệp thuộc về UBND cấp tỉnh.
  • Đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn thì thẩm quyền giao đất thuộc về UBND cấp xã.

Đất nông nghiệp đã giao được sử dụng trong bao lâu?

Điều kiện để được cấp đất nông nghiệp và các vấn đề liên quan 4

Những đối tượng đủ điều kiện để được giao đất nông nghiệp có thời gian sử dụng đất là 50 năm. Khi đất nông nghiệp hết hạn sử dụng nhưng hộ gia đình vẫn có nhu cầu canh tác tiếp thì có thể tiến hành gia hạn thời gian sử dụng đất. Cụ thể Khoản 1, 2 Điều 126 Luật đất đai 2013 quy định như sau:

  1. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này.
  2. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.

Khi nào đất nông nghiệp được giao bị thu hồi?

Điều 16 Luật đất đai 2013 quy định về các trường hợp nhà nước sẽ thu hồi đất như sau:

  • Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
  • Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng;
  • Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
  • Thu hồi đất do việc chấm dứt sử dụng đất theo quy định của pháp luật, người sử dụng đất trả lại đất hoặc đất có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của con người.

Nếu không thuộc 1 trong các trường hợp nói trên thì đất nông nghiệp đã giao không bị thu hồi. Khi hết hạn sử dụng, người sử dụng đất chỉ cần gia hạn theo đúng quy định của pháp luật là có thể tiếp tục sử dụng.

Nếu thuộc vào một trong các trường hợp bị thu hồi thì tùy vào từng trường hợp để quyết định nhà nước có bồi thường hay không và bồi thường như thế nào.

Như vậy có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện hành đã quy định rõ những đối tượng có đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp. Đồng thời quy định về thủ tục xin giao đất, thẩm quyền giao đất và thời gian sử dụng đất nông nghiệp cùng các vấn đề liên quan. Những người sử dụng đất nông nghiệp hoặc đang cần xin cấp đất nông nghiệp cần biết các quy định nói trên để thực hiện theo đúng pháp luật.

Xem thêm: