Bình Dương đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau giãn cách

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Trải qua quãng thời gian nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tạm đóng băng vì dịch bệnh, Bình Dương đang trên đà trở lại với những động thái tích cực.

Là một địa phương có tiềm lực về kinh tế, được mệnh danh “thủ phủ công nghiệp” khu vực phía Nam, luôn đứng top đầu trong thu hút đầu tư, tuy nhiên, Bình Dương cũng không tránh khỏi những giai đoạn “rung lắc” bởi diễn biến chung của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 bùng phát, để làm tốt công tác phòng - chống dịch, các địa phương buộc phải thực hiện giãn cách, kéo theo nhiều hoạt động phải tạm dừng.

Trải qua nhiều tháng khá căng thẳng, hiện các tỉnh thành phía Nam đang nỗ lực để mở cửa nền kinh tế, tái thiết lập sự sôi động trước đó, sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới. Bình Dương với nền tảng tốt, kết hợp chính sách hợp lý, đang nhận được những đánh giá cao và kỳ vọng sẽ quay trở lại với không ít điểm sáng.

Những nỗ lực chống dịch đáng ghi nhận

Từ ngày 16/9/2021, tỉnh Bình Dương đã chính thức bước vào trạng thái “bình thường mới” với 6/9 địa phương đạt vùng xanh cùng với nhiều tín hiệu khả quan, đặt nền móng cho việc khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người lao động.

Bình Dương nỗ lực chống dịch

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Nguyễn Lộc Hà, 6 địa phương đạt vùng xanh sau thời gian nỗ lực phòng chống dịch gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên. Đây đều là những khu vực có ý nghĩa lớn đối với kinh tế Bình Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn và số lượng lao động đông đúc. Các vùng xanh được thiết lập, mở rộng và kết nối để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự lưu thông.

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết: “Hiện có 30% doanh nghiệp với khoảng 400.000 lao động đang sản xuất "3 tại chỗ". Tỉnh đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine cho tất cả công nhân "3 tại chỗ", hệ thống y tế lưu động chuẩn bị tốt hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh hơn khi phát hiện F0”.

Đồng thời, qua các xét nghiệm sàng lọc, kết quả cho thấy tỉ lệ lây nhiễm trong công nhân lao động ở nhà mát rất thấp. Những dấu hiệu khả quan từ việc áp dụng phương án “3 xanh” (công nhân, nhà máy, nhà trọ xanh) đã bắt đầu thể hiện rõ nét hơn, có sự gắn kết và phối hợp chặt chẽ.

Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đưa ra 6 cơ sở để bước đầu khẳng định, Bình Dương đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh Covid-19:

  • Các ca F0 đã và đang giảm từng ngày một cách rõ rệt, số lượng F0 tại các khu điều trị được ra viện ngày càng nhiều hơn, có ngày ra viện đến 7.000 ca (Trên cơ sở dữ liệu của ngành y tế, một số bộ ngành Trung ương và kinh nghiệm thực tiễn ở Bình Dương).
  • Xét nghiệm diện rộng lượng F0 phát hiện ngày càng giảm, đặc biệt là "vùng xanh" cơ bản đã ổn định và an toàn, xét nghiệm "vùng đỏ" F0 ngày càng thu hẹp dần.
  • "Vùng xanh" mở rộng có kiểm soát, các khu phố xanh, xã ấp xanh đi lại với nhau; các "vùng đỏ", "điểm đỏ", "khu vực đỏ", "gia đình đỏ" thì tiếp tục khóa chặt để sử dụng các biện pháp y tế, các gói an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân kịp thời.
  • Số liệu vắc-xin được tiêm so với số dân đã đạt gần 100% tuy vẫn còn một số khó khăn trong việc nhập dữ liệu.
  • Các khu điều trị hiện nay của tỉnh đủ để đáp ứng yêu cầu, lượng ca bệnh nhập viện chưa đến 3.000/ngày, trong khi xuất viện có khi đạt 10.000/ngày.
  • Mạng lưới y tế ngày càng hoàn thiện; bệnh viện công, đội ngũ y bác sĩ tiếp tục được tăng cường,kể cả quân y của Bộ Quốc phòng .

Điểm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, tỉnh đã chỉ đạo các chốt tạo ra các điều kiện pháp lý theo quy định, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đi lại thuận lợi. Giai đoạn sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục khóa chặt các khu vực thuộc vùng đỏ, điểm đỏ, nhà đỏ để kịp thời triển khai các biện pháp y tế, kết hợp với triển khai an sinh xã hội để hỗ trợ người dân.

Đây đều là những tín hiệu rất khả quan để Bình Dương tái thiết lập sản xuất và phục hồi kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Lộ trình 03 giai đoạn khôi phục kinh tế - xã hội Bình Dương

Sau quá trình giãn cách, nhận diện tình hình chung, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch khôi phục kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Trong kế hoạch nêu rõ chủ trương, lộ trình phục hồi đối với các hoạt động thể và được công bố tại hội nghị liên quan.

Lộ trình phục hồi kinh tế Bình Dương

Cụ thể, theo thông tin từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Mai Hùng Dũng, lộ trình phục hồi kinh tế sẽ bao gồm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (từ 15/9 – 31/10/2021): ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, TX.Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một.
  • Giai đoạn 2 (từ sau 31/10): nếu được Bộ Y tế phân bổ đầy đủ vaccine, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 2 cho toàn bộ người dân trong tỉnh, đến ngày 31/10/2021 cơ bản miễn dịch cộng đồng. Trường hợp tỉnh kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng", Bình Dương sẽ mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Loại trừ một số ngành nghề dễ gây bùng dịch như karaoke, vũ trường, quán bar…
  • Giai đoạn 3 (từ sau 31/12/2021): nếu kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng", tỉnh sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, việc mở cửa, phục hồi kinh tế là quan trọng nhưng không thể vì vậy mà nóng vội, chủ quan trước dịch bệnh, tuyệt đối không nới lỏng các yêu cầu giãn cách đối với những địa phương chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh.

Ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh: “Tránh việc lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất - kinh doanh khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch”.

Để có thể theo sát lộ trình hồi phục kinh tế, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu trong quá trình điều hành các hoạt động nhưng lại để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Theo đó:

  • Quán triệt phương châm "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
  • Tuân thủ các hướng dẫn về an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế trong từng ngành, lĩnh vực gắn với điều kiện cụ thể, đặc thù của từng địa phương trong tỉnh;
  • Quyết tâm bảo vệ được thành quả chống dịch; nhanh chóng thu hẹp vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh.

Các động thái tích cực nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế

Sự sôi động trở lại của nền kinh tế là tín hiệu đáng mừng, mang theo nhiều hi vọng và cơ hội mới mẻ. Tuy nhiên, để có được điều này, song song với việc chống dịch, Bình Dương đã và đang có nhiều chính sách, động thái mang tính hỗ trợ tối đa; tập trung vào các yếu tố thế mạnh để tận dụng nguồn lực của mình.

Khởi công các tuyến giao thông quan trọng

Vào ngày 5/10/2021, Lễ khởi công công trình xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng và công trình Xây dựng đường từ Tân Long - Lai Uyên, thuộc tuyến đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được tổ chức bởi UBND huyện Bàu Bàng phối hợp huyện Phú Giáo. Được biết, tổng mức đầu tư dự án hơn 2.000 tỷ đồng. Đây được xem là sự kiện đánh dấu lại bước phục hồi kinh tế của tỉnh sau những tháng dài giãn cách do dịch bệnh.

>>> Chi tiết: Khởi công 2 dự án của đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng

Bên cạnh dự án này, Bình Dương cũng đang dốc lực kêu gọi nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, tạo động lực chung cho địa phương và hạ tầng giao thông là một trong những hạng mục quan trọng, cần được ưu tiên, đi trước mở ra cơ hội.

Bình Dương đầu tư vào hạ tầng

Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Đây là công trình trọng điểm của tỉnh, rất quan trọng sau khi khống chế được dịch bệnh, khởi động thời kỳ mới, khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn”.

Theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc công ty Cổ phần Đại Phong, sau lễ khởi công, công ty sẽ bắt tay vào triển khai thi công với đội ngũ kỹ sư, công nhân có trình độ chuyên môn cao; máy móc thiết bị hiện đại, năng lực tài chính vững chắc. Phía đơn vị cố gắng sẽ hoàn thành công trình vượt trước so với tiến độ đề ra.

Sự đầu tư cho hạ tầng giao thông trong thời điểm này đánh dấu bước đi đầy tầm nhìn của tỉnh Bình Dương. Đối với kinh tế - xã hội nói chung, tuyến đường mang ý nghĩa lớn về giao thương, kết nối địa phương và khu vực, là nền tảng quan trọng để tạo ra những bứt phá về lâu dài, trên đa ngành, đa lĩnh vực.

Doanh nghiệp trên địa bàn từng bước phục hồi

Kể từ tháng 6/2021, dịch bệnh bùng phát mạnh, tạo nên những áp lực không nhỏ lên tất cả các mặt của đời sống xã hội và kinh tế Bình Dương. Tuy nhiên, nỗ lực của địa phương phần nào san sẻ bớt khó khăn cùng người lao động và doanh nghiệp, điển hình nhất là tiêm vaccine diện rộng.

Ông Lee Jaehong - Giám đốc điều hành Công ty Pungkook Sai Gon 3 (phường An Phú, TP.Thuận An), cho biết: “Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chúng tôi được sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp chính quyền để thiết lập sản xuất theo mô hình mới. Dù gặp rất nhiều khó khăn, chi phí cao song vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chúng tôi đặt niềm tin vào công tác phòng, chống dịch bệnh của Bình Dương và dõi theo những chuyển biến khả quan từng ngày. Hiện chúng tôi đã xây dựng kịch bản và mong muốn có sự hỗ trợ từ phía các cấp chính quyền địa phương để sớm trở lại sản xuất mạnh mẽ khi bảo đảm các điều kiện an toàn”.

Ông Zheng Xia - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Phiên, chia sẻ, bằng việc đặt niềm tin lớn dành cho Bình Dương trong công tác chống dịch, công ty này vẫn quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III và công ty về thương mại - dịch vụ tại thành phố Mới Bình Dương. Ông rất mong địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về dịch bệnh để củng cố niềm tin, tâm lý cho người lao động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp, Bình Dương vẫn ghi nhận sự khả quan trong lĩnh vực đầu tư, cho thấy dù có phần trầm lắng nhưng thời gian qua, thị trường này chưa từng mất đi sức hút.

Nhờ duy trì xúc tiến đầu tư, Bình Dương có kết quả khá khả quan khi nhiều doanh nghiệp tiếp tục đăng ký đầu tư. Đến nay, có hơn 1,4 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Bình Dương. Phía Ban quản lý khu công nghiệp Bình Dương cũng cho biết, hiện có 386 doanh nghiệp với số lượng 52.000 lao động là doanh nghiệp mới đăng ký để trở lại hoạt động sản xuất

Nhìn chung, các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin rất lớn vào môi trường kinh doanh ở Bình Dương; vẫn chọn đón đầu cơ hội và bùng nổ sau khi dịch được khống chế.

Chính quyền tăng cường hỗ trợ

Phía lãnh đạo tỉnh Bình Dương đang vạch ra nhiều giải pháp nhằm từng bước hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khôi phục sản xuất một cách tốt nhất. Theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương - đồng chí Nguyễn Thanh Hà, các doanh nghiệp chỉ được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất được Sở Công thương tỉnh Bình Dương phê duyệt. Trong đó:

  • Không còn ca nhiễm F0, không còn bị phong tỏa và các F1 phải được cách ly.
  • Trong quá trình chuẩn bị sản xuất, địa phương theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm 100% người lao động.
  • Theo lộ trình vạch ra, các doanh nghiệp nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn.
  • Việc nâng công suất và quy mô hoạt động phải tính toán trên cơ sở khoa học, đồng bộ và bền vững, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp và diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh của địa phương.
  • Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm, liên hệ cơ quan tổ chức xét nghiệm cấp giấy xét nghiệm cho từng lao động.
  • Tăng cường vai trò hoạt động hiệu quả và thực chất của Tổ an toàn COVID tại doanh nghiệp.
  • Tuyên truyền hiệu quả kiến thức về phòng ngừa dịch bệnh, tạo sự chủ động trong công tác phòng ngừa trong sản xuất, có tâm lý vững vàng trước mọi tình huống.
  • Thực hiện thí điểm việc sắp xếp lại nơi ở/nhà trọ của công nhân đang làm việc trong doanh nghiệp theo hướng toàn bộ công nhân trong một doanh nghiệp sẽ ở tập trung trong một hoặc một số khu nhà trọ xanh theo phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ hết sức thận trọng trong việc giữ vững từng “vùng xanh”, khu phố, xóm ấp xanh. Với mục tiêu “Khi xanh đến đâu thì phải giữ xanh đến đó, đỏ ở đâu thì phải chiến đấu ở đó”, địa phương tăng cường về nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế, thuốc men, năng lực xét nghiệm, điều trị,... Đồng thời, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm thu hẹp các “vùng đỏ” một cách nhanh chóng, không để người dân nào thiếu ăn; duy trì tốt an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

Nhiều giải pháp được đưa ra để phục hồi kinh tế

Nhiều giải pháp dài hơi được đưa ra

Chống dịch và phát triển kinh tế đều phải nhìn về đường dài, vì vậy, nói tới các giải pháp dài hơi, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trước hết, phải là thực hiện mở cửa theo đúng lộ trình, tổ chức lưu thông trên địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Sau đó:

  • Xem xét cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Đổi mới cách thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
  • Xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
  • Bảo đảm nguyên vật liệu và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
  • Củng cố mối liên kết ở vùng giáp ranh với Bình Phước, Tây Ninh, Tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Lưu thông nội tỉnh thực hiện theo phương án:

  • Giữa các huyện thuộc “vùng xanh”:
    • Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên: người và các phương tiện giao thông lưu thông bình thường, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 giữa 2 địa phương.
    • Thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát tổ chức lưu thông liên phường trong nội bộ của từng địa phương.
  • 3 địa phương “vùng đỏ” Tp.Thuận An, Tp.Dĩ An và TX.Tân Uyên tổ chức giao thông theo tinh thần “an toàn đến đâu, mở rộng lưu thông đến đó”. Căn cứ tình hình diễn biến dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của 3 địa phương này quyết định phương án lưu thông sao cho hợp lý.

Thị trường bất động sản trong khó khăn có cơ hội

Không riêng gì Bình Dương, nhiều thị trường địa ốc khác tại khu vực phía Nam cũng đang rơi vào tình trạng gặp khó, trăn trở trong việc lựa chọn phương án quay lại trở lại đường đua sao cho phù hợp. Địa phương đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau giãn cách cũng là bước đệm quan trọng để bất động sản Bình Dương có cơ sở khởi sắc.

Thị trường gặp nhiều khó khăn

So với các kênh đầu tư khác, bất động sản may mắn có được vị thế khá chắc trên thị trường, nắm bắt đúng tâm lý và nhu cầu của số đông. Tuy nhiên, dưới những biến động chung của nền kinh tế, nhà đất cũng không thoát khỏi cảnh “chông chênh”. Khó khăn nhất trong giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh có lẽ là công tác thực tế, thi công tại dự án, mọi trao đổi đa phần đều thông qua các phương tiện như điện thoại, email, tư vấn online,..

Ghi nhận giai đoạn này cho thấy, hoạt động bán hàng bị ngưng trệ đáng kể, nhiều sàn giao dịch bất động sản đóng cửa, thiếu hụt nguồn cung mới. Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng tăng lên, khiến chi phí đầu vào leo thang, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh.

Ông Lê Quang Vinh -Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh cho biết: “Do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình giao dịch trên thị trường BĐS có phần giảm nhiệt. Theo dữ liệu về BĐS công chứng, chứng thực, cho thấy thị trường giao dịch BĐS tháng 6 có xu hướng giảm so với tháng 5 và tháng 4, thị trường có phần trầm lắng trong cả thời gian qua”.

Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển BĐS An Gia, chia sẻ: “Thời gian qua, các hoạt động của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều dự án phải tạm ngưng xây dựng để thực hiện phòng, chống dịch bệnh, các sản phẩm không bán được. Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương tuy đã trở lại trạng thái bình thường mới, ngành nghề BĐS, xây dựng đã được hoạt động trở lại nhưng công nhân đã về quê, công ty gặp khó khăn về nguồn nhân lực khi trở lại”.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Quân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Land: “Từ đợt dịch bệnh bùng phát thứ 4, hầu hết các hoạt động bán hàng của DN BĐS rất chậm, thậm chí không bán được sản phẩm, khiến nhiều DN gặp khó khăn về vốn”.

Những trở ngại khách quan đã đặt ra thử thách chung cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp buộc phải có sự nhìn nhận và điều chỉnh, thích nghi với “môi trường kinh doanh” hoàn toàn mới.

Đánh giá về thị trường BĐS

Muốn kích cầu, cần có chính sách phù hợp

Các chuyên gia nhận định, bất động sản và kinh tế nói chung có mối quan hệ qua lại, nâng đỡ, hỗ trợ nhau phát triển và hoàn thiện. Trong bối cảnh tái thiết lập lại nền kinh tế như hiện nay, việc đề ra các chính sách nhằm kích cầu thị trường nhà đất là điều rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Quân cho biết: “Ngay thời điểm này, cơ chế, chính sách về tín dụng ngân hàng của nhà nước để hỗ trợ cho DN và khách hàng chính là “nguồn oxy”, là “máy trợ thở” giúp các DN BĐS sớm phục hồi”.

Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước, địa phương có thêm nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực để sớm vực dậy việc kinh doanh, đặc biệt là chính sách lãi suất ngân hàng. Ông Tín chia sẻ: “Cụ thể, Nhà nước có cơ chế để ngân hàng giảm lãi suất cho DN. Khi được giảm lãi suất, chi phí thấp đi sẽ có điều kiện để giảm giá sản phẩm cho khách hàng. Đồng thời cũng có những chính sách ưu đãi giảm lãi suất đối với khách hàng khi mua mới sản phẩm”.

Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Bình Dương gặp khó nhưng vốn chưa từng mất đi sức hút, điều cần thiết bây giờ là những yếu tố tạo lực đúng lúc, đúng nhu cầu để bắt nhịp cùng giai đoạn mới. Theo ghi nhận, sau đợt giãn cách vừa qua, mức quan tâm tại Bình Dương tăng 10%, đạt 30% trong tháng 9; tích cực hơn hẳn so với Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đồng Nai. Giá bán đất nền trong 9 tháng đầu năm tại Bình Dương tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung trên thị trường đa phần vẫn là những dự án thu hút được sự chú ý trước đó, như Phúc An Garden Bàu Bàng, Phúc An Ashita Bình Dương, An Phú Long Garden, Lavita Thuận An, Happy One Central,... Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp vẫn duy trì được lợi thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục Trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, cho biết: “Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có văn bản đốc thúc các cơ quan sớm xem xét và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện, Bộ Xây dựng đã ban hành chính sách hướng dẫn bù giá cho 13 loại vật liệu có giá tăng đột biến, trong đó có thép. Đồng thời, Bộ Xây dựng đang tổng hợp số liệu từ các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng… để có đánh giá cụ thể và sẽ báo cáo Chính phủ, đề xuất giải pháp bảo đảm ổn định thị trường xây dựng”.

Đây là những tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp bất động sản, hứa hẹn sự quay trở lại ấn tượng, đồng thời là yếu tố thành công cho quá trình phục hồi kinh tế tại Bình Dương.

Xem thêm: